Giong xe về phía quốc lộ 1A, hướng về khu Vĩnh Lộc B (Bình Chánh, TP.HCM), vượt thêm vài kilômet đường đầy đất đỏ và bụi bặm, "ốc đảo" nilông hiện ra trước mắt chúng tôi rộng ngút ngàn. Mấy chục con người đang hì hục làm việc với mồ hôi nhễ nhại bên cạnh những túp lều tranh xiêu vẹo. Đó cũng chính là nơi họ trú nắng, che mưa và ngả lưng hằng đêm. Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm
Trời nắng như lửa đốt, không khí của "ốc đảo" nilông trở nên khó thở hơn với mùi hôi từ đống bã bao bì, mùi thối từ đường ống nước thải ngay cạnh. Lẫn trong nhóm người lớn là những đứa trẻ, lớn 17, nhỏ chỉ vừa 13, đến từ những miền quê nghèo khó.
Quê ở Sóc Trăng, nhà có đến tám anh chị em nên gia đình Danh Thị Út đã nghèo lại thêm phần khổ. Chẳng ai trong bảy anh chị của Út được đi học, trừ em được ưu tiên vì là con út trong gia đình. Cố gắng đến lớp 3 thì "xì khói" bỏ giữa chừng vì nhà lo không nổi. Bỏ học, em bước vào con đường mưu sinh khi ăn chưa no, lo chưa tới. Quanh quẩn ở quê phụ gia đình làm việc vặt nhưng rồi việc vặt cũng không còn để làm. Theo lời giới thiệu của bạn bè, em khăn gói lên TP và gắn đời mình ở "ốc đảo" này đã được nửa năm.
Công việc chính của Út là phân loại rác. Giữa đống bao bì hôi thối đầy bụi bặm, em nhặt ra từng chiếc giũ sạch bụi đóng vào bao để người khác mang đi bằm. Sáng em làm từ 7g-11g30, chiều 13g-17g. Đó là lịch làm việc một ngày bình thường của em. Làm ngày không đủ em phải tranh thủ làm đêm, làm tăng ca ở chỗ bằm bao đến 23g. Mỗi ngày như vậy em được trả 30.000 đồng. "Chỉ đủ ăn chứ không có dư” - Út cười nói. Cạnh đó, Tuấn Tấn đang trầm mình trong bể nước rửa bao đen kịt, đặc quánh. Nếu so với các công đoạn khác như phân loại, bằm hay phơi bao thì đây là công đoạn cực và có hại đến sức khỏe nhất. Mỗi ngày em phải ngâm mình trong bể nước đến sáu, bảy giờ, dùng các rổ nhựa xốc từng đống bao bẩn được băm vằm nhỏ xoay mạnh trong bể nước rửa sạch rồi cho qua bể liền kề. Công đoạn đó cứ diễn ra cho đến giờ nghỉ hoặc "không còn sức để làm".
Không đơn độc như Út hay Tấn, Đoàn Văn Nhỡ, 13 tuổi, cùng mẹ và em trai khăn gói rời Bạc Liêu lên đây mới hơn một tháng. Hằng ngày em cũng làm bằng thời gian của người lớn nhưng chỉ được trả 15.000 đồng. Mẹ em, chị Lê Thị Nhất, nói: "Ở quê hắn đang học lớp 7, nhà khổ quá phải nghỉ học cho đi mần mướn". Nhiều người làm cùng chỗ của Nhỡ cho biết từ ngày lên đây Nhỡ rất hay bị ốm, đau bụng. Chỗ nghỉ ngơi của Nhỡ cũng như tất cả lao động ở đây là những căn lều được căng bằng lớp bạt mỏng dựng ngay bên đống rác. Ban ngày nắng thốc vào hừng hực, ban đêm thì phải chịu cái lạnh bốc lên từ nền đất. Tương lai mù mịt
Những lao động nhí ở "ốc đảo" nilông đến từ nhiều tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh... Các em thường đi cùng gia đình rồi vừa làm vừa sống tạm bên những túp lều tranh xiêu vẹo, dựng tạm bợ cạnh chỗ làm. Cũng có không ít trường hợp các em tự tìm đến đây một mình theo lời giới thiệu của những người cùng quê. Tiền công được trả tùy vào độ tuổi và sức lao động, nhưng phần lớn các em được trả thấp hơn so với người lớn, kể cả khi sức làm việc ngang nhau, dao động 15.000-30.000đ/ngày. Tại đây có rất nhiều em đang ở độ tuổi đến trường nhưng tất cả đều phải bỏ học. Chẳng những không được đi học mà hằng ngày Trần Thị Thúy Nhàn còn phải làm quần quật từ sáng đến chiều để phụ gia đình. "Dù có gia đình bên cạnh nhưng em vẫn khóc hoài. Em rất muốn đi học nhưng nhà khó quá. Em chỉ có một ước mơ rất nhỏ là được về nhà nghỉ ngơi vài hôm thôi cũng không được" - em nói trong nghẹn ngào dưới cơn mưa lất phất. Khi được hỏi về ước mơ, Út bùi ngùi tâm sự: "Từ nhỏ đến nay em chỉ có một ước mơ là được làm cô giáo". Út khe khẽ nói, ngượng ngùng như không muốn ai nghe thấy lời mình rồi lại quay mặt, cặm cụi thọc sâu đôi tay vào đống bao tải đang bốc mùi. Đôi tay cháy đen vì nắng lại thoăn thoắt làm việc. Còn Nhỡ, khi được hỏi em có muốn đi học lại không, Nhỡ nghẹn ngào rưng rưng đôi mắt, vân vê hai tà áo nhuốm đầy bụi đất, không nói nên lời.
Buổi chiều ở đây buồn hơn nơi nào hết, buồn không chỉ do khung cảnh ảm đạm của một "ốc đảo" nilông mà còn bởi những ước mơ không thành của những đứa trẻ vào đời sớm. Chúng gắn đời mình với những đống bao nilông và tương lai thì mù mịt.
Đã đọc: 850 |