Quán ăn đông khách, mọi người đang cắm cúi ăn bỗng mọi ánh mắt ngước lên, hướng về hai người vừa bước vào.
Những lời xì xầm rộ lên: “Đôi này dễ thương quá ha”, “Nhìn xứng ghê”... Hai người họ không tay nắm tay, cũng không có cử chỉ nào khẳng định “chủ quyền”, lí do khiến mọi người nhận ra đây là một cặp bởi cả hai cùng mặc chiếc áo màu đỏ chót...
Những cái chung dễ thương...
Xa rồi cái thời nắm tay, đi song song, nhìn nhau tình tứ, những cặp đôi thời nay nghĩ ra nhiều chiêu hơn để “tiếp thị” hình ảnh của mình. Thế là những sản phẩm “khuyên dùng cho hai mình” như áo cặp, đồng hồ cặp, dây đeo cặp... được các “nối đôi” yêu thích và tận dụng triệt để cho nhu cầu... phô trương này.
Giống nhau về vẻ ngoài dường như vẫn chưa đủ, các “nối đôi” còn tìm mọi cách để hình ảnh của mình xuất hiện thường xuyên và liên tục trong cuộc sống của người kia. Sau khi xem phim Trái tim mùa thu, thấy kết cách mà hai nhân vật chính nhớ nhau, Lan Anh (lớp 11, Q.Tân Bình) tức tốc ra nhà sách tậu về một cặp li. Khi dúi vào tay ấy, nhỏ bỏ nhỏ: “Ấy có biết vì sao li của ấy vẽ hình cô gái không? Mỗi ngày hãy tưởng tượng cô gái là tớ nhé”. Khỏi phải nói ấy của Lan Anh đã xðc động như thế nào khi nghe những lời “có cánh” này.
Với các “nối đôi”, chuyện làm cho mình giống nhau, có ảnh hưởng đến nhau dường như vẫn chưa xi nhê, các bạn còn nghĩ đến chuyện sẽ xài chung một cái gì đó. Thu Thảo (lớp 12, trường Gia Định) bật mí: “Tụi mình rủ nhau làm một cái blog chung, hằng ngày tranh thủ post bài và comment cho nhau. Những lúc “cơm không lành canh không ngọt”, hai đứa cứ nhè ngay cái blog mà quăng “cục tức”, rồi cãi nhau qua comment. Kết quả là cái blog vừa là người hòa giải, vừa là “người bạn đường thân thiết” của tụi mình”.
...Và dễ ghét
Bản chất của sự chung ấy không có lỗi, cũng không ai cấm cản, vì đó là quyền tự do của mỗi người, nhưng nếu lạm dụng “cái gì cũng chung” thì rất dễ phản tác dụng. Như trường hợp của Heo Pooh và Gấu lì. Xì tai của Heo Pooh hơi hoa bướm nên Gấu Lì phải chơi luôn những cáo áo đôi “chống chỉ định” với thân hình tròn vo của mình. Khi Heo Pooh được tậu chiếc Max 50 màu hồng bèn rủ rê Gấu sắm một chiếc xanh lơ cho đồng điệu. Gấu không dám từ chối, về đòi bố đổi xe cub. Phụ huynh của Gấu... đi từ kinh ngạc đến tức giận: “Học không lo học cứ đua đòi quần áo, giờ còn dở hơi đòi xe thời trang sành điệu. Không yêu đương gì nữa hết!” Híc híc.
Khi chuyện xài chung mang hơi hướm vật chất hóa, “người trong cuộc” có nguy cơ đối diện với những “sự thật đau lòng”. Mercury_chip được bố mẹ tậu cho một chú SHi bảnh chọe mừng sinh nhật. Mỗi khi ấy “thỏ thẻ” mượn xe, anh chàng niềm nở “giao khoán” luôn. Ngày kia, nhận được cú điện thoại báo tin SHi đã được chở về đồn công an do bạn gái không có bằng lái, lại tống ba... Thế là, anh chàng phải chia tay chú SHi vô thời hạn cho đến khi nào “hiểu được giá trị của những thứ do mồ hôi nước mắt của bố mẹ làm ra”. Nhưng như thế vẫn chưa “đau” bằng việc trong một dịp đi sửa xe, bố Mercury_chip phát hiện phụ tùng đã bị thay... gần một nửa!
Thật ra, chuyện giống nhau không có gì là xấu, nhưng biến mình thành “anh em sinh đôi” của người kia một cách thái quá đôi khi lại làm “xốn con mắt bên phải, mỏi con mắt bên trái” của những người xung quanh. Hai electron chỉ hút nhau khi chúng là những điện tử trái dấu, người ta đi kiếm “một nửa” để bổ khuyết cho những điều mình thiếu... Các bạn hay nghĩ “tuy hai mà một” nhưng thực chất hai vẫn là hai. Hãy dành cho người ta và bản thân mình những khoảng trời riêng đủ rộng để cả hai cùng hít thở nhé!
Đã đọc: 1135 |