 Ước mơ của mẹ Nhà cô Tám ở ấp Ngươn, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Chồng cô Tám năm nay 62 tuổi, nay ốm, mai đau nên cả nhà bảy miệng ăn chỉ trông cậy vào xấp vé số của cô. Hồi trước, cô Tám bán rau cải ở chợ Long Định, còn chồng chăm sóc mảnh ruộng của gia đình, lúc rảnh việc nhà thì đi làm mướn. Tuy không dư dả nhưng cũng tạm đủ lo cái ăn cái mặc và sách vở cho các con đến trường.
Nhưng rồi tai họa bỗng ập xuống. Chồng cô Tám ngã bệnh nên phải chạy vạy khắp nơi kiếm tiền thuốc thang. Họa vô đơn chí, một lần gánh lá chuối đi bán cô Tám bị xe quẹt gãy chân, nằm viện gần cả tháng trời. Rồi đến đôi mắt của Nguyễn Văn Hòa (người con trai thứ ba của cô) dần dần giảm thị lực, phải từ biệt sách vở khi chưa học hết lớp 12. Vợ chồng cô bấm bụng bán miếng ruộng để lo thuốc thang và trả nợ. Vừa khỏi bệnh cô Tám tìm đến nghề bán vé số. “Vì nghề này chỉ cần công mà không cần vốn” - cô giải thích. Một ngày của cô bắt đầu từ tờ mờ sáng đến chập choạng tối. Thức dậy, cô tranh thủ nấu bữa cơm sáng cho cả nhà rồi vớ chiếc nón lá ra đi với xấp vé số trên tay, đến chiều tối mới về. Tám năm qua, từ con đường huyện 876 này, cô Tám đã đi Long Hưng, Long Định, Vĩnh Kim, Dưỡng Điềm... không biết bao nhiêu lượt. Mỗi ngày phải lội bộ hơn 10km nên đôi bàn chân cô nứt nẻ theo năm tháng.
Năm 2006, Nguyễn Thị Huệ thi đỗ đại học (ngành sư phạm ngữ văn Trường đại học Tiền Giang). Niềm vui chưa kịp trào dâng thì nỗi lo đã tràn ngập trong lòng. Cô con gái út của cô Tám cũng bước vào lớp 10. xấp vé số trên tay cô lại dày thêm và đôi chân cô phải đi xa hơn. Nhìn hàng giấy khen dán trên vách của hai cô con gái, cô Tám cười bảo: “Cực khổ bao nhiêu cũng được, miễn sao các con học giỏi là tui vui rồi”. Nghị lực của con
Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, từ khi còn học THCS, Huệ thức dậy lúc 5 giờ sáng để tranh thủ đến trường phụ bán căngtin. Chủ căngtin trả công Huệ 6.000 đồng mỗi ngày. Số tiền nhỏ nhoi ấy rất quý đối với Huệ, vì có thể phụ mẹ mua 1kg gạo, vài viên thuốc ho hoặc chai dầu gió cho ba. Mùa hè, căngtin nghỉ bán Huệ lại theo mẹ đi bán vé số. Lên cấp III, mặc dù việc học rất nhiều nhưng Huệ vẫn dành một buổi đi bán vé số với mẹ. Huệ tâm sự: “Hồi đó mình hay mặc cảm, mỗi lần thấy bạn bè, thầy cô là mình tìm đường trốn ngay. Nhưng sau đó suy nghĩ lại, thấy mình đi bán vé số kiếm tiền giúp mẹ chẳng có gì xấu, nên không còn mặc cảm nữa”. Dù sớm lam lũ nhưng suốt 12 năm liền Huệ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, Huệ từng đạt giải ba môn sử kỳ thi học sinh gỏi cấp tỉnh năm lớp 9, giải nhì và ba môn văn kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 11 và 12. Năm 2005, Huệ thi đỗ vào Trường cao đẳng Phát thanh - truyền hình 2, nhưng không theo học được vì không kiếm đủ 900.000 đồng đóng tiền học phí.
Ngày bạn bè lên đường nhập học, Huệ bắt đầu tìm việc làm thuê. Huệ xin vào làm ở một quán cơm ngoài chợ Long Định để nuôi ước mơ vào giảng đường đại học. Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học năm sau, Huệ mượn bài vở của bạn bè về học. Bài tập nào khó Huệ đạp xe đến nhà thầy cô nhờ giảng lại giùm. Sự nỗ lực của Huệ đã được đền bù xứng đáng. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006, Huệ thi đỗ vào ngành sư phạm ngữ văn của Trường đại học Tiền Giang. Vào học được vài ngày, Huệ đi làm gia sư. Với số tiền thù lao 300.000 ngàn đồng/tháng, Huệ đã dè sẻn để đóng tiền nhà trọ, ăn uống và mua sách vở học tập. Suốt hai năm đại học, Huệ luôn đứng ở nhóm đầu của lớp, được thầy cô, bạn bè quý mến vì tính siêng năng, cần cù và nỗ lực trong học tập, sinh hoạt Đoàn. Đặng Thị Ngọc Hiếu, lớp trưởng văn 6, cho biết: “Huệ là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt khó để các sinh viên khác noi theo”. Còn Huệ thì giải thích: “Mỗi lần về quê thấy mẹ lội bộ dưới trời nắng chang chang để bán từng tờ vé số, mình ứa nuớc mắt. Chính vì vậy, mình sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này ra trường có việc làm đỡ đần bớt gánh nặng cho mẹ”.
Có lẽ điều mà chúng tôi ấn tượng nhất về cô sinh viên có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi là một nghị lực vươn lên rất mạnh mẽ. Năm học mới này Huệ vẫn tiếp tục vượt qua khó khăn để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo của mình.
Đã đọc: 1465 |