Làng Fals trong miền cao nguyện nước Áo chuyên về nghề đẽo tượng bằng gỗ. Ðiểm đặc biệt của họ là họ chỉ đẽo các tượng đặt trong hang đá Sinh nhật chứ không dám đẽo hình tượng nào khác. Chẳng may gặp một thời làm ăn khó khăn: không ai đặt hàng mua tượng nữa. Chẳng mấy chốc mà dân làng trở thành nghèo và đói.
Một buổi chiều kia, ông Tâm, một tay thợ đẽo gọt có tiếng của làng, đi vào xưởng làm việc. Ông bắt gặp một em bé tóc vàng đang giỡn chơi với những con vật đang quỳ bên cạnh hang đá Chúa Hài đồng. Ông Tâm ngạc nhiên bởi vì ông không hiểu vì sao em bé khôi ngô như vậy, tuy quần áo rách rưới, mà không được ai dạy dỗ cho biết các tượng trong hang đá đâu phải là đồ chơi trẻ con.
Như đoán được ý của ông Tâm, em bé nâng bổng một con chiên, ôm sát ngực và thưa với ông:
- Chúa Hài đồng sẽ không giận đâu. Chúa biết rằng cháu không có đồ gì để chơi cả.
Ông Tâm nghẹn ngào : "Ðược rồi, bác sẽ đẽo cho cháu một con chiên nhé, một con chiên biết lúc lắc cái đầu. Sáng mai cháu trở lại đây mà lấy. À này, nhà cháu ở đâu, sao bác không hề thấy cháu bao giờ?"
"Ðằng kia kìa !". Vừa nói em bé vừa chỉ tay về phí trên cao chóp núi. "Cháu ở với ba cháu".
Hôm sau, trước khi ăn trưa, ông Tâm đã đẽo xong con chiên rồi. Ông đang định đóng cửa đi ăn thì một thiếu phụ bồng con đến xin bố thí. Ông Tâm buồn rầu vì không có gì để cho hai mẹ con. Trong khi đó, thằng bé vơ lấy con chiên vừa mới đẽo, và khi ông tìm cách lấy lại thì nó khóc thét lên.
Vốn có lòng tốt, ông Tâm trao lại con chiên cho nó, và nó cười khóai trí khiến cả xưởng đều vui lây.
"Thôi cũng được", ông Tâm tự nhủ, "ta sẽ đẽo con chiên khác thay thế".
Chiều tối đến, ông Tâm vừa đẽo xong con chiên thứ hai thì thằng Hòang, một đứa trẻ mồ côi, đến thăm ông. "Ôi con chiên đẹp quá ! Bác cho cháu đi, Ngày mai cháu vào cô nhi viện, và cháu muốn mang theo con chiên này cho có bạn".
Ông Tâm tử tế đáp: "Ừ, thì lấy đi, Hoàng. Bác sẽ đẽo con chiên khác".
Ông Tâm đẽo con chiên lần thứ ba. Nhưng em bé tóc vàng vẫn không thấy trở lại. Con chiên cứ nằm trên ngăn kệ của xưởng làm việc.
Tình trạng của làng Fals càng ngày càng tệ. Lần đầu tiên ông Tâm nghĩ đến việc đẽo các thú vật và đồ chơi cho các em bé để chúng quên đi cái đói cào ruột.
Thế rồi một hôm, có một người lái buôn đi ngang xưởng làm việc của ông Tâm. Gã đề nghị mua hết tất cả các món đồ chơi mà ông Tâm đã chế ra. Nhưng ông từ chối bởi vì ông không muốn đẽo để lấy tiền. Người lái buôn trước khi ra đi còn nói thêm: "Tôi còn ở lại đây mấy ngày nữa, trọ ở quán đầu làng. Nếu bác thay đổi ý kiến thì cứ đến báo tôi".
Ông Tâm thẳng thắn trả lời: "Không bao giờ tôi đổi ý đâu, trừ khi Chúa gửi đến một điềm lạ".
Một lát sau, cha xứ trong làng đến xưởng ông Tâm để xin ông ta con chiên thứ ba còn nằm trên ngăn kệ. Cha muốn xin cho bé Dung đang đau nặng. Ông vui vẻ đáp : "Ðược rồi, chính con sẽ mang nó đến tận nhà em bé Dung".
Khi ông Tâm từ nhà bé Dung trở lại xưởng, ông đi ngang một cánh đồng phủ đầy tuyết. Thình lình em bé tóc vàng xuất hiện ngay trước mặt ông. Ông Tâm thốt lên: "Bé ơi, bác đã giữ con chiên thứ ba cho đến mãi hôm nay. Sao cháu không tới ? Thôi, bác sẽ đẽo con chiên khác".
Nhưng em bé lắc đầu: "Không, cháu không cần con chiên khác. Những con chiên mà bác đã biếu hai mẹ con xin bố thí, hoặc biếu cho thằng Hòang, hoặc cho bé Dung là bác biếu cho cháu đấy".
Rồi em bé xòa bày tay ra. Từ ánh sáng lung linh tỏa chiếu từ em bé, ông Tâm thấy bóng một cây thánh giá trên mặt tuyết. Ông chợt hiểu và quỳ gối xuống.
Em bé mỉm cười nói tiếp : "Này bác Tâm, bác biết không ? Ðẽo một đồ chơi cũng có thể làm vinh danh Thiên Chúa như khi đẽo các tượng thánh đặt trong hang đá nhà thờ. Tiếng cười nắc nẻ của một em bé thơ ngây cũng làm vui tai Thiên Chúa như ca đoàn hợp tấu của các thiên sứ vậy". Trong nháy mắt, em bé biến mất.
Tối hôm ấy, ông Tâm ra quán trọ đầu làng để gặp gã lái buôn.
- Ðược rồi, tôi sẽ đẽo đồ chơi mà bác muốn.
- Thế là bác đổi ý rồi chứ ? Gã lái buôn hỏi lại.
- Không. Tôi đã nhận được điềm từ trời.
Ðôi mắt ông Tâm ngấn lệ.
Đã đọc: 3125 |